Công ty KTCTTL hiện quản lý 18 hồ chứa nước (HCN), hai công trình thủy lợi là Thạch Nham và Nước Trong. Vụ hè thu 2017, Công ty KTCTTL đảm bảo cung cấp nước tưới, phục vụ sản xuất cho 25.000ha đất nông nghiệp.
PV: Ông cho biết tình hình mực nước ở các hồ chứa, công trình thủy lợi hiện nay như thế nào?
Ông Đặng Huy Lâm: Thời gian qua, nhờ có mưa giông nên mực nước tại nhiều HCN và công trình thủy lợi (chủ yếu là khu vực miền núi) được bổ sung, duy trì ở mức 55-100%. Nhưng đối với khu vực đồng bằng và trung du, do nắng nóng kéo dài, nên hiện mực nước tại 7/18 HCN đã xuống dưới 50%. Cá biệt mực nước của HCN Đá Bàn, Hóc Sầm (Mộ Đức), Diên Trường (Phổ Khánh) và Hóc Dọc (Bình Sơn) hiện chỉ còn 16-18%. Đối với công trình thủy lợi Thạch Nham, hiện mực nước qua tràn đạt 40cm. Tuy nhiên, tình hình khô hạn vẫn trong tầm kiểm soát, nhờ thủy điện Đắkđrinh và HCN Nước Trong xả nước về vùng hạ du với lưu lượng trung bình 14-30m3/s.
Tuy nhiên, theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ trung tuần tháng 7 sẽ xảy ra hiện tượng El Nino, nên nguy cơ hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng. Trước tình hình này, đơn vị cũng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, đề phòng hạn cuối vụ.
|
Việc tu sửa, nâng cấp kênh mương là một trong những giải pháp chống hạn mà Công ty Khai thác công trình Thủy lợi Quảng Ngãi đang thực hiện. Ảnh: PV |
PV: Các giải pháp đó là gì, thưa ông?
Ông Đặng Huy Lâm: Từ giữa tháng 6 đến nay, chúng tôi đã thực hiện việc tưới luân phiên, tưới ướt-ráo đối với những diện tích sản xuất hưởng nước tưới từ các HCN. Sắp tới, sẽ áp dụng biện pháp tưới này đối với toàn bộ diện tích hưởng nước Thạch Nham. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị Ban Quản lý thủy điện Đăkđrinh và Nước Trong cân đối việc xả nước, để tham gia chống hạn. Riêng HCN Nước Trong, mực nước hiện nay đạt 140 triệu m3 nên việc xả nước “cứu hạn” cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để “giữ” nước bổ sung cho Thạch Nham đến cuối vụ, nên thời điểm này, thủy điện Nước Trong không tăng lưu lượng xả về vùng hạ du.
Song song với đó, công ty cũng huy động công nhân viên thực hiện đóng góp ngày công công ích; sử dụng các nguồn kinh phí khắc phục lũ lụt, chống hạn và kinh phí sửa chữa thường xuyên của đơn vị để tu sửa, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Ngoài ra, công ty cũng đã tập kết vật tư, phương tiện, máy móc như máy bơm, ống dẫn nước... đến các HCN có mực nước xuống thấp hay khu vực có nguy cơ xảy ra hạn, để kịp thời ứng phó với hạn, đảm bảo hiệu quả sản xuất.
PV: Việc triển khai các phương án phòng chống hạn gặp những khó khăn, trở ngại nào, thưa ông?
Ông Đặng Huy Lâm: Hơn 60% các tuyến kênh trên địa bàn tỉnh là kênh đất, nên năng lực dẫn nước kém, lượng nước thất thoát lớn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí tu bổ, sửa chữa thường xuyên còn hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tưới tiêu. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác chống hạn, mà xem việc này là nhiệm vụ của riêng Công ty KTCTTL và ngành nông nghiệp. Hơn nữa, các HTX cũng không quan tâm củng cố đội thủy nông, nên mạnh ai nấy dẫn nước, khiến lượng nước thất thoát, hao hụt rất lớn. Vì vậy mới xảy ra tình trạng đầu kênh thừa, cuối kênh thiếu nước.
Để việc phòng chống hạn đạt hiệu quả, bên cạnh việc bố trí kịp thời các nguồn kinh phí thì, chính quyền các địa phương và HTX cần quan tâm hỗ trợ nguồn lực cũng như vật lực. Vào mùa khô hạn cao điểm, các địa phương cần huy động người dân tích cực đóng góp ngày công, tham gia nạo vét và vệ sinh kênh mương, khơi thông cống rãnh. Đối với các HTX, cần tăng cường củng cố và nâng cao hoạt động của đội dẫn thủy, để tham gia điều tiết nước hợp lý, hạn chế thấp nhất lượng nước thất thoát.