Chính phủ vừa có Nghị định số 147/2016/NĐ-CP điều chỉnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện. Theo sửa đổi và có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2017, mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh.
Các dịch vụ môi trường rừng mà cơ sở sản xuất thủy điện hiện đang sử dụng gồm: dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng suối; dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện.
Việc tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ gây thêm khó khăn cho các thủy điện khi giá trần bán điện năm 2017 không đổi so với năm 2016. Theo khung giá phát điện được Bộ Công thương ban hành mới đây, mức trần của khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy thủy điện là 1.070 đồng/kWh (chỉ cao hơn 10 đồng/kWh so với năm 2015).
Hiện sản lượng điện từ thủy điện hiện nay chiếm khoảng 35,35%. Theo đó, số tiền dịch vụ môi trường rừng đóng góp cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng có thể đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Việc tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường lên trên 1,5 lần khiến các nhà máy thủy điện "gặp khó". Nhưng lại có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có cơ chế quản lý, sử dụng, giám sát nguồn quỹ sao cho hiệu quả. Đặc biệt, cần được xem xét nghiêm túc nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, giữ và cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Trong khung giá phát điện năm 2017 cũng quy định mức giá và loại nhiên liệu đối với các nhà máy nhiệt điện than. Cụ thể, mức trần giá phát điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 1.568,70 đồng/kWh (tăng 13,37% so với 2015). Than cám 6a.1 được chọn là chủng loại than sử dụng. Giá than (bao gồm hao hụt, phí quản lý, bảo hiểm, không bao gồm cước vận chuyển) là 1.301.665 đồng/tấn (tăng 0,94% so với 2015).